Đã bao giờ bạn thắc mắc, tại sao bạn thường xuyên vệ sinh giày nhưng giày nhanh xỉn màu, thậm chí hỏng? Tác nhân khiến cho đôi giày của bạn nhanh cũ đôi khi bắt nguồn từ chính những hành động tưởng chừng như vô hại nhưng cực kỳ nguy hiểm.
Vậy đâu là gốc rễ của vấn đề? Phơi dưới nắng hay ngâm lâu trong xà phòng là 2 lỗi thường gặp nhất khi vệ sinh giày mà rất nhiều người mắc phải.
Bên cạnh đó, nhiều hành động khác trông “vô thưởng vô phạt" nhưng cũng làm hỏng em giày của bạn cực kỳ nhanh chóng, hãy cùng Giffan tìm hiểu những lỗi sai cần "né" trong bài viết dưới đây nhé!
1. Sử dụng máy giặt
Giày thường có nhiều chi tiết khó vệ sinh, đặc biệt là phần bên trong mũi giày vừa khuất lại vừa cứng. Vì vậy, vệ sinh bằng máy giặt có thể khiến giày của bạn không được sạch, không những thế phần đề cứng rất dễ bị gãy hoặc móp khi bị áp lực mạnh bởi sức quay của lồng giặt.
Để đảm bảo giày sạch lại không bị hư hỏng, lời khuyên của Giffan là nên “tắm rửa" cho những đôi giày của mình bằng tay hoặc mang đến những tiệm vệ sinh giày chuyên dụng.
Ngoài vệ sinh giày, các tiệm giặt thường có thêm nhiều dịch vụ khác như vệ sinh túi xách hoặc mũ
Nguồn ảnh: Mr. Phủi
Có những thời điểm quá bận rộn không thể tự giặt giày, bạn có thể lựa chọn cách vệ sinh giày bằng máy. Tuy nhiên, hãy lưu ý một số điểm sau để không làm hư hỏng “đứa con tinh thần" của mình:
- Đọc kỹ thông tin in trên nhãn mác gắn phía trong giày, bạn sẽ biết được đôi giày của mình có thể giặt bằng máy giặt hay không. Một số chất liệu có thể giặt bằng máy là cotton, nylon và polyester.
- Vệ sinh sơ những mảng bùn, bụi bẩn bám chặt trên giày. Việc làm này giúp giày được giặt sạch hơn và không làm bẩn lồng giặt, ảnh hưởng đến những lần giặt sau.
- Đừng quên tháo dây giày và làm sạch riêng. Vì dây giày thường được làm từ vải, nếu giặt cùng giày, dây sẽ không sạch và dễ bị “xù xì” bề mặt, thậm chí hỏng.
- Chọn chế độ giặt nhẹ với tốc độ quay chậm trong suốt quá trình từ giặt đến vắt để giày không bị biến dạng.
Vệ sinh xơ những vết bẩn “cứng đầu" rất quan trọng trước khi cho giày vào máy giặt
Nguồn ảnh: Sưu tầm
2. Trong khi vệ sinh giày
Một lỗi sai cơ bản nhất nhưng lại được nhiều người nghĩ đến nhất là sử dụng bột giặt và chất tẩy. Các loại dung dịch này có tính khử khá mạnh nên sẽ vô tình làm “bay màu" luôn cả màu giày của bạn, nhất là giày vải nhuộm. Ngoài ra, nếu ngâm giày lâu trong dung dịch tẩy rửa sẽ dễ làm mòn giày, giòn hoá cao su và khiến các vết keo dán giày bị bung.
Với giá thành rẻ và nguyên liệu dễ tìm, bột giặt và nước tẩy Javel thường được sử dụng để vệ sinh giày
Nguồn ảnh: Sưu tầm
Thêm một sai lầm phổ biến nữa là dùng một loại bàn chải cho tất cả các loại giày. Thay vào đó, tùy vào từng chất liệu giày mà bạn hãy chọn loại bàn chải sao cho phù hợp nhất.
Ví dụ, đối với các loại giày thể thao hay giày vải canvas thì bạn có thể dùng bàn chải nhựa cứng, còn với các loại giày da thì nên dùng bàn chải lông mềm hoặc bàn chải chuyên dụng để tránh làm hỏng giày.
Nếu vết bẩn nhỏ, bàn chải đánh răng là một lựa chọn tối ưu để bạn “đánh bay” vết bẩn ngay tức khắc.
Bàn chải nhựa nhà giày có giá thành vào khoảng 8.000 - 50.000 VNĐ, vừa rẻ vừa dễ sử dụng
Nguồn ảnh: Sưu tầm
3. Làm khô bằng nhiệt độ cao
Sau khi làm sạch giày, bạn dùng ngay máy sấy hoặc đặt giày của bạn bên cạnh bộ tản nhiệt/lò sưởi làm giày khô nhanh hơn để được “trên chân" bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, cách làm này sẽ ảnh hưởng đến dáng giày.
khi vệ sinh giày cao su ở nguồn nhiệt cao khiến giày bị co rút, phần keo và cao su trên giày bị tan chảy, biến dạng. Nếu cần gấp, bạn có thể sấy giày ở nhiệt độ vừa phải và để máy sấy cách giày 20-30 cm.
Máy sấy khử mùi giày Deerma DEM-HX20 Xiaomi chuyên dụng, kiểu dáng nhỏ gọn giúp hong khô giày nhanh chóng
Nguồn ảnh: Sưu tầm
Ngoài cách sấy giày, việc phơi giày dưới ánh nắng mặt trời trực tiếp cũng dễ khiến đôi giày bị ố vàng. Nguyên nhân là do các tia bức xạ tử ngoại UV của mặt trời sẽ khiến lớp da giày bị phá hủy, làm màu vải bị bạc và các chi tiết da trên giày bị nổ, bong tróc chỉ sau một thời gian ngắn.
Ánh nắng chiếu trực tiếp có nhiệt độ cao khiến giày dễ bị ố vàng và hỏng dáng
Nguồn ảnh: Sưu tầm
Để giày khô ráo mà không bị “xuống dáng", bạn nên phơi giày ở nơi thoáng mát, dưới bóng râm hoặc bật thêm một chiếc quạt máy để giày nhanh khô hơn.
Ngoài ra, Giffan khuyên bạn nên bọc bên ngoài giày một lớp giấy trước khi mang đi phơi. Cách làm này sẽ giúp hút hết nước ẩm còn sót lại trong giày và giữ giày trắng sáng.
Việc mang giày dép ẩm ướt sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi gây mùi và viêm nấm khó chịu, vì vậy hãy chắc chắn để giày khô ráo hoàn toàn nhé!
4. Không vệ sinh giày thường xuyên
Vết bẩn bám vào giày để lâu ngày sẽ khô lại và khiến đôi giày khó tẩy sạch hơn. Vì vậy, với những đôi thể thao được mang thường xuyên, hãy làm sạch mỗi tuần để bảo vệ sức khỏe chính mình và giữ tuổi thọ giày lâu nhất.
Đối với các chất liệu khó vệ sinh như giày da, giày cao gót hay giày trắng, … bạn nên lau chùi nhẹ sau 1-2 lần sử dụng để giữ giày luôn “tinh tươm" trong thời gian dài.
Nên thường xuyên dùng vải sạch thấm nước xà phòng và vệ sinh giày một cách nhẹ nhàng
Nguồn ảnh: The Spruce
Biết rằng ai cũng mong muốn “trên chân” một đôi giày sạch sẽ, tuy nhiên bạn không nên giặt giày quá thường xuyên. Nếu bạn “nhúng nước" liên tục, giày sẽ dễ bị hở keo đế hoặc phần thân giày bị mục.
Tần suất thích hợp để giặt lại đôi giày của bạn là khoảng 2 - 3 tuần một lần, hoặc những lúc giày bị bám bẩn nhiều.
Ngoài ra, bạn nên chuẩn bị cho mình nhiều đôi giày hoặc dép để thay đổi hằng ngày, tránh trường hợp mang 1 đôi quá lâu làm giày bị mùi và khó vệ sinh.
Cách vệ sinh đế giày trắng bị ố vàng
Một trong những nguyên nhân khiến đôi giày trắng trông “lấm lem” như vậy là do không thường xuyên vệ sinh đế giày, dẫn đến các vết bẩn tích tụ thành những vết ố.
Giặt giày và bảo quản giày không đúng cách cũng khiến cho những đôi giày trắng trở nên cũ kỹ, xỉn màu.
Giffan sẽ mách cho bạn các mẹo xử lý những vết ố để những đôi giày trắng trông thật sạch sẽ nhé!
Bước 1: Sử dụng nước ấm để làm trắng dây giày khi giặt
Từng bước một, đầu tiên ta vệ sinh dây giày bằng nước ấm với một ít xà phòng dịu nhẹ. Bạn có thể sử dụng bàn chải đánh răng chà nhẹ rồi phơi khô dây giày nơi thoáng khí hay dưới bóng râm.
Lông bàn chải đánh răng khá mềm có thể làm sạch vết dơ và hạn chế làm dây giày và giày bị trầy xước, sần sùi.
Lông bàn chải đánh răng khá mềm có thể làm sạch vết dơ
Bước 2: Tẩy trắng bề mặt giày với các cách sau
Sử dụng hỗn hợp baking soda và giấm
Bột baking soda (bột nở) và giấm với đặc tính tẩy trắng nổi bật có thể đánh bay những vết ố trên đôi giày trắng của bạn. Đầu tiên, bạn hãy hòa tan baking soda với giấm theo tỉ lệ 3:2.
Tiếp đến, sử dụng bàn chải đánh răng hoặc bàn chải chuyên dụng dành cho vệ sinh giày để chà vết ố vàng bám trên bề mặt giày khoảng 7-10 phút. Cuối cùng là chọn một nơi thoáng mát để phơi khô giày một cách tự nhiên nhé!
Bột baking soda với đặc tính tẩy trắng
Sử dụng kem đánh răng
Kem đánh răng siêu rẻ, có khả năng tẩy được các vết ố một cách hiệu quả. Dùng bàn chải đánh răng lấy một lượng kem vừa phải rồi chà trên bề mặt giày. Sau đó, giặt lại giày bằng nước ấm. Điểm hạn chế của phương pháp này là khó đánh bay các vết bẩn bám sâu trên giày.
Kem đánh răng tẩy được các vết ố một cách hiệu quả
Sử dụng dầu gội đầu
Pha dầu gội đầu và nước ấm rồi nhúng giày vào dung dịch vệ sinh đế giày vừa mới pha được. Dùng bàn chải chà nhẹ cho đến khi để loại bỏ các vết bẩn bám của đôi giày yêu rồi xả giày dưới vòi nước để làm sạch bọt dầu gội.
Sử dụng chanh
Làm ẩm giày, cắt quả chanh thành 2 nửa rồi chà xát lên da giày. Thành phần axit hữu cơ trong loại quả này sẽ làm biến mất các vết bẩn. Bạn xả sạch giày với nước rồi phơi khô là có thể sở hữu một đôi giày trắng như mới.
Cắt quả chanh thành 2 nửa rồi chà xát lên da giày
Sử dụng cồn và bông y tế
Cồn cũng là một chất tẩy được sử dụng phổ biến. Bạn có thể tẩm bông y tế bằng cồn rồi chà lên những vết ố trên giày rồi dùng khăn ấm để lau sạch lại. Thế là đôi giày đã trở nên sạch sẽ hơn!
Bước 3: Tẩy đế giày với Vaseline
Ngoài công dụng giúp dưỡng da, làm mềm các phần da nứt nẻ khá quen thuộc với các bạn nữ thì Vaseline còn có khả năng “thần thánh” là tẩy ố trên đế trắng.
Dùng một ít Vaseline thoa lên đế giày và chờ khoảng 3 phút. Sau đó, dùng khăn ẩm lau sạch vết dơ của đế. Lưu ý, tránh dùng loại sáp này để tẩy trắng phần vải của giày.
Dùng một ít Vaseline thoa lên đế giày
Bước 4: Chọn nơi khô ráo, thoáng mát để phơi giày
Bước phơi giày rất quan trọng, bạn cần lựa chọn nơi thoáng mát, bóng râm để làm khô giày tự nhiên, tránh để giày trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời.
Vì khi đó, lớp da phủ trên bề mặt giày sẽ bị phá hủy bởi các tia bức xạ tử ngoại UV dẫn đến tình trạng đen ố giày sau một thời gian, trông giày sẽ cũ kỹ và xỉn màu.
Cần lựa chọn nơi thoáng mát, bóng râm để làm khô giày tự nhiên
Bước 5: Bảo quản giày đúng cách
Sau khi giặt sạch và phơi khô, bạn cần tìm một không gian khô ráo để cho em giày trú ngụ như hộp đựng giày, túi nilon rồi bỏ vào tủ. Tránh để giặt ở nơi ẩm ướt vì điều này cũng sẽ khiến cho đôi giày của bạn đổi màu đấy.
Cần tìm một không gian khô ráo để cho em giày trú ngụ
Nguồn: Tower Box
Những mẹo trên có thể áp dụng để tẩy trắng cho những mẫu giày có chất liệu khác nhau như da lộn, vải canvas, … Tuy nhiên, tốt nhất bạn nên kiểm tra nhãn của giày để hiểu rõ hơn về chất liệu để có cách vệ sinh giày phù hợp.
DinCox C17 White sử dụng chất liệu da tổng hợp cho phần thân giày
Nguồn: DinCox Shoes
Bề mặt đôi Biti's Hunter Street Z Collection High White được bao phủ bởi lớp da cao cấp
Ananas Basas Simple Life NE – Mule sở hữu chất liệu vải canvas trẻ trung
Nguồn: Ananas
Tạm kết
Kiểu giày sneaker, giày thể thao khá dễ làm sạch với những nguyên liệu tự nhiên có sẵn tại nhà. Tuy nhiên, hãy lưu ý cách vệ sinh đúng chuẩn để giày luôn sạch đẹp khiến bạn chỉn chu và ấn tượng hơn trong mắt người đối diện.
Trên đây là 5 lỗi sai cần tránh khi vệ sinh giày để giúp đôi giày của bạn luôn “sạch bong, sáng bóng". Nếu bạn có những mẹo hay ho khác, hãy bình luận bên dưới để chia sẻ với Giffan nhé!
Ngọc Anh
Th 2 20/02/2023
18 phút đọc